Hai cha con ở Thạch Thất, Hà Nội đã thiệt mạng khi bắt trộm – Ảnh: Giang Chinh |
Rạng sáng 7/12, nhiều người trong một gia đình ở Thạch Thất, Hà Nội đã bị đâm khi truy đuổi hai tên trộm lẻn vào nhà họ ăn cắp.
Thiếu tá Bùi Thái Đức, phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an Thành phố HCM cho biết thông thường bọn trộm cướp không bao giờ hoạt động mà chỉ có một mình. Chúng luôn có đồng bọn và mang theo vũ khí. Mục đích ban đầu của chúng chỉ là trộm cắp tài sản, nhưng nhiều trường hợp trộm đã giết người khi bị gia chủ phát hiện hay phản kháng. Ví dụ, hồi tháng 11, bà Lê Thị Đúng 56 tuổi ở thành phố Hải Dương, đã bị tên trộm đánh đến bất tỉnh do bà trở về nhà đúng lúc hắn đang trộm cắp.
Khi phát hiện ra trộm, không phải tài sản mà chính tính mạng của mình và người thân mới là điều bạn cần chú ý giữ đầu tiên. Thiếu tá công an lưu ý, khi phát hiện ra trộm, bạn cần xác định mình có khả năng tự vệ hay không, quan trọng là phải giữ được tính mạng của mình.
Thiếu tá cũng đưa ra một số tình huống:
– Nếu bạn ở nhà một mình và phát hiện trộm đã vào nhà, nên đóng chặt phòng ngủ, giả vờ gọi to người bên cạnh, bấm chuông báo động (nếu có) hoặc gọi điện thoại báo cho công an. Nếu bạn phát hiện trộm vào phòng ngủ, tốt nhất nên giả vờ ngủ tiếp.
– Nếu bạn đi về đến cổng nhà và phát hiện hoặc nghi có người lạ trong nhà như nghe có tiếng động trong nhà, nhìn thấy cửa bị cậy hoặc phá, đừng vội xông vào nhà ngay và hét lên mình là chủ nhà, hãy khóa lại cổng, đi gọi người hỗ trợ và báo công an.
– Nếu bạn đã vào trong cổng mới phát hiện có dấu hiệu khác thường, hãy giả vờ là khách hỏi thăm chủ nhà rồi đi báo người hỗ trợ và công an.
Trong tình huống phát hiện ra trộm và nhận thấy mình có thể tự vệ, trước tiên tỏ ra hợp tác. Nhân lúc kẻ trộm cướp sơ hở, có thể bấm chuông báo động, cầm vũ khí tấn công, nếu không có hung khí thì nhân lúc đối tượng không để ý dùng tay chọc mắt, đá vào bộ hạ, cẳng chân (ống đồng) thật mạnh.
Trong trường hợp phát hiện trộm khi gia đình bạn đang có nhiều người, xác định có thể bắt được trộm thì điều đầu tiên bạn cần phải làm là bật đèn sáng để nhận diện tên trộm, xem nó có vũ khí gì và hô hoán kêu gọi mọi người. Tâm lý chung của bọn trộm khi bị phát hiện là bỏ chạy, nhưng nếu chưa có nhiều người giúp sức, mà bạn cũng không có vũ khí trong tay, đừng vội đuổi theo tên trộm trong bóng tối như hai cha con ở Thạch Thất. Điều đó rất nguy hiểm. Ngoài ra, trong bóng tối, lại có đông người, việc đánh nhầm rất dễ xảy ra, vì thế bật đèn, cầm theo đèn là rất quan trọng. Khi chạy trốn, chắc chắn bọn trộm không thể mang theo những đồ vật nặng, chúng chỉ cầm theo những thứ nhỏ gọn như ví, điện thoại, hoặc xe máy, bạn cần xác định hướng chạy thoát của đối tượng, hô hoán để có thể lực lượng chức năng, dân phòng, thanh niên tuần tra bên ngoài biết mà hỗ trợ. Trong quá trình truy đuổi tên trộm, luôn lưu ý giữ khoảng cách với đối tượng tránh bị chúng làm sát thương.
Nếu đã bắt được trộm đừng bao giờ cố đánh chúng đến chết, bởi lúc đó, bạn sẽ mắc tội giết người. Khi bạn đã bắt được trộm, hãy khống chế bằng cách trói chân, trói tay, sau đó kiểm tra xem trong người trộm có hung khí hay không rồi tước bỏ vũ khí. Thiếu tá Đức cũng khuyên, bạn không nên nóng vội lấy lại hết những thứ nó ăn cắp của mình, hãy để cơ quan chức năng đến lập biên bản, như thế sẽ thuyết phục hơn.
Để đề phòng tháng cuối năm dễ xảy ra trộm cướp, thiếu tá Đức cũng lưu ý một số biện pháp phòng nạn trộm cắp:
– Đánh vào tâm lý bọn trộm bằng cách treo trước nhà tấm biển “Coi chừng chó dữ”.
– Gia cố cửa: Hàn lại khoen khóa, bản lề, dùng ổ khóa chụp, chống cắt, gắn hệ thống báo động. Chủ nhà không nên quá tin tưởng vào cửa cuốn và nên lắp thêm một lớp cửa phía trong.
– Chủ nhà nên khóa trong và khóa trong nên để ở vị trí hơi cao hoặc hơi sâu so với lỗ cửa, muốn mở phải thò cả bàn bàn tay vào, như thế trộm sẽ mất rất nhiều thời gian phá khóa nên sẽ nản mà bỏ đi.
– Nên làm tường rào ngăn chặn việc có thể chuyền từ cây xanh, trụ điện để vào nhà.
– Khi đi ngủ, cần kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ, cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Có thể treo lên cánh cửa những đồ vật nào đó để khi đối tượng mở cửa, đồ vật rớt xuống, gây tiếng vang báo động kẻ gian đột nhập vào nhà.
– Không nên vắng nhà nhiều ngày, nếu đi vắng phải khóa cửa cẩn thận, nhờ người trông coi và lấy giùm những tờ rơi rét vào khe cửa.
– Có mối quan hệ tốt, thân thiết với các hộ gia đình kế bên, phía trước và phía sau để cùng nhau có ý thức bảo vệ tài sản, hỗ trợ nhau khi vắng nhà. Thông báo số điện thoại trong nhóm hộ tự quản cho nhau.
– Kiểm tra sửa chữa nhà ở những nơi có lỗ hở mà con người có thể chui lọt.
– Cất giữ tài sản có giá trị ở những nơi an toàn, nên chia ra nhiều chỗ. Có ý thức bảo vệ tài sản của mình và nhắc nhở mọi người có trách nhiệm trông coi bảo vệ tài sản.
– Để khóa cửa tại nơi kín đáo, chỉ những người thân trong nhà mới biết. Không cắm sẵn chìa khóa ở xe, dù để xe trong nhà.
– Nếu ở nhà trọ hoặc mua lại nhà nên thay toàn bộ ổ khóa mới.
– Lắp đèn bảo vệ ngoài cổng, ngoài hành lang, ngoài cửa nhà. Đặc biệt, hiện nay trên thị trường có loại đèn cảm ứng, giá không quá đắt mà rất tiện lợi, không chỉ để chống trộm mà cũng rất hữu ích khi nhà có người già, trẻ em, chỉ cần có người đi qua là đèn bật sáng.