Tình huống về hóa đơn chứng từ áp dụng từ 01/ 06/...

Tình huống về hóa đơn chứng từ áp dụng từ 01/ 06/ 2014

2921
1
SHARE

Câu hỏi 1: Trường hợp Doanh nghiệp viết sai hóa đơn về hình thức, viết tắt tên, địa chỉ người mua hàng, chưa gạch chéo đúng quy định phần trống thì những hóa đơn này có sử dụng được cho mục đích xin hoàn thuế hoặc khấu trừ không?

Trả lời:

Tại công văn số 1781/BTC-TCT ngày 11 tháng 2 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

Trường hợp doanh nghiệp viết hóa đơn chỉ sai về “hình thức” như: hàng hóa xuất khẩu tại chỗ đã sử dụng hóa đơn GTGT; hóa đơn viết tắt tên, điạ chỉ người mua hàng nhưng đúng MST; viết hóa đơn nhưng chưa gạch chéo đúng quy định phần trống thì Bộ Tài chính yêu cầu các Cục thuế kiểm tra thực tế nếu hóa đơn đã lập phù hợp với sổ kế toán, phản ánh đúng bản chất kinh tế, có thanh toán qua ngân hàng theo quy định thì Cục thuế hướng dẫn nhắc nhở doanh nghiệp và thực hiện hoàn thuế hoặc cho khấu trừ theo đúng thực tế phát sinh.

Câu hỏi 2: Trường hợp hóa đơn đã phát hành trước năm 2010 và hóa đơn đã phát hành theo Thông tư 153/2010/TT-BTC đến ngày 01/07/2013 còn chưa sử dụng nếu đã thông báo phát hành theo Thông tư 153/2010/TT-BTC thì có được tiếp tục sử dụng không?

Trả lời:

Công văn 126/TCT-CS ngày 13 tháng 01 năm 2014 của Tổng cục Thuế hướng dẫn như sau:

Trường hợp hóa đơn đã phát hành trước năm 2010 và hóa đơn đã phát hành theo Thông tư 153/2010/TT-BTC đến ngày 01/7/2013 còn chưa sử dụng nếu đã thông báo phát hành theo Thông tư 153/2010/TT-BTC thì vẫn được tiếp tục sử dụng.

Câu hỏi 3: Trường hợp Công ty thanh toán các hóa đơn GTGT của chi phí tiếp khách từ hai mươi triệu đồng trở lên bằng thẻ Visa/master mang tên chủ thẻ là tên Công ty thì có được chấp nhận là đủ điều kiện thanh toán qua ngân hàng để khấu trừ thuế GTGT không?

Trả lời:

Công văn 239/TCT-CS ngày 17/1/2014 của Tổng cục Thuế hướng dẫn như sau:

Trường hợp Công ty thanh toán các hóa đơn GTGT của chi phí tiếp khách từ hai mươi triệu đồng trở lên bằng thẻ Visa/master mang tên chủ thẻ là tên Công ty thì được chấp nhận là đủ điều kiện thanh toán qua ngân hàng để khấu trừ thuế GTGT. (Lưu ý: việc tiếp khách phải liên quan đến hàng hóa dịch vụ thuế GTGT

Câu hỏi 4: Việc sử dụng hóa đơn xuất khẩu từ ngày 1/3/2014 được quy định như thế nào?

Trả lời: Công văn số 1388/TCT-CS ngày 24 tháng 04 năm 2014 của Tổng Cục Thuế hướng dẫn như sau:

Từ ngày 01/3/2014 các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã phát hành hóa đơn xuất khẩu nếu có nhu cầu vẫn được tiếp tục sử dụng hóa đơn xuất khẩu.

Từ ngày 01/6/2014 cơ quan thuế không tiếp nhận thông báo phát hành hóa đơn xuất khẩu.

Đối với hóa đơn xuất khẩu đã thông báo phát hành trước ngày 01/6/2014 thì cơ sở kinh doanh đăng ký số lượng hóa đơn xuất khẩu còn tồn chưa sử dụng gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 31/7/2014 để được tiếp tục sử dụng.

Câu hỏi 5: Hóa đơn chứng từ đối với việc mua nông sản có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên được quy định như thế nào?

Trả lời:

Công văn 1130/TCT-CS ngày 08 tháng 04 năm 2014 của Tổng Cục Thuế hướng dẫn như sau:

– Trường hợp DN mua nông sản của người sản xuất trực tiếp bán ra thì chỉ cần có chứng từ thanh toán và Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định, không bắt buộc phải sử dụng chứng từ không dùng tiền mặt.

– Trường hợp DN mua nông sản của hộ, cá nhân kinh doanh phải sử dụng hóa đơn theo quy định thì đối với hóa đơn mua hàng từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt trừ trường hợp lập Bảng kê quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013

Câu hỏi 6: Trường hợp, hóa đơn bên bán đã lập và giao cho bên mua nhưng sau đó phát hiện ra sai cả tên, địa chỉ, mã số thuế thì có được chấp nhận kê khai, khấu trừ GTGT đầu vào không?

Trả lời:

Công văn số 1146/TCT-CS ngày 10 tháng 04 năm 2014 của Tổng Cục Thuế hướng dẫn như sau:

Trường hợp, hóa đơn bên bán đã lập và giao cho bên mua nhưng sau đó phát hiện sai tên, địa chỉ, mã số thuế thì không thể xác định đúng được người mua. Đề nghị Cục Thuế kiểm tra, xác định cụ thể đối với những hóa đơn sai cả tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thì không được chấp nhận kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Câu hỏi 7: Trường hợp DN là Công ty TNHH có hóa đơn mua vào ghi thiếu cụm từ “TNHH” tại tiêu thức “tên người mua” thì hóa đơn này xử lý như thế nào?

Trả lời:

Công văn số 1146/TCT-CS ngày 10 tháng 04 năm 2014 của Tổng Cục Thuế hướng dẫn như sau:

Trường hợp DN là Công ty TNHH có hóa đơn mua vào ghi thiếu cụm từ “TNHH” tại tiêu thức “tên người mua”, sai sót này không làm ảnh hưởng đến doanh thu và số thuế GTGT. Để đơn giản thủ tục hành chính cho DN thì Tổng Cục Thuế đề nghị Cục Thuế hướng dẫn DN lập hóa đơn điều chỉnh sai sót kèm bảng kê các hóa đơn lập sai. DN phải cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các tiêu thức khác.

Câu hỏi 8: Việc viết hóa đơn kê khai thuế GTGT đối với sản phẩm cơm dừa nạo sấy (quả dừa được tách vỏ, gọt sạch vỏ, xay nhuyễn, sấy khô thành sản phẩm cơm dừa sấy khô) được quy định như thế nào?

Trả lời:

Bộ Tài chính có công văn số 6154/BTC-TCT ngày 13 tháng 5 năm 2014 hướng dẫn:

Căn cứ hướng dẫn tại khoản 1, Điều 4 và khoản 5, Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế GTGTvà các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT thì:

“… Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.

“5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ…”

Theo các hướng dẫn nêu trên, trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm cơm dừa nạo sấy (quả dừa được tách vỏ, gọt sạch vỏ, xay nhuyễn, sấy khô thành sản phẩm cơm dừa sấy khô); vỏ dừa; gáo dừa; xơ dừa; chỉ xơ dừa; mụn dừa; da dừa; nước dừa là các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Câu hỏi 9: Thuế GTGT đối với mặt hàng hương liệu khử mùi để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh được quy định như thế nào?

Trả lời:

Tại công văn 1525/TCT-CS về chính sách thuế GTGT ngày 05 tháng 05 năm 2014 của Tổng Cục Thuế hướng dẫn như sau:

Tại tiết a điểm 2.2 mục II phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 và điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 của Bộ Tài chính về thuế GTGT hướng dẫn thuế suất 5% như sau:

“a) Phân bón là các loại phân hữu cơ và phân vô cơ như: phân lân, phân đạm (urê), phân NPK, phân đạm hỗn hợp, phân phốt phát, bồ tạt; phân vi sinh và các loại phân bón khác”.

Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp Công ty cổ phần Long Vân sản xuất mặt hàng thương hiệu khử mùi (được nấu tổng hợp từ các loại lá cây bạch đàn, hương nhu, lá sả) chỉ để nhằm mục đích làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, không phải là phân bón nên chưa có căn cứ để được áp dụng quy định tại tiết a điểm 2.2 mục II phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC và điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư số 06/2012/TT-BTC nêu trên.

Theo đó, mặt hàng hương liệu khử mùi để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh áp dụng thuế suất 10%.

Câu hỏi 10: Việc hoàn thuế GTGT đối với trường hợp người nộp thuế có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận về thuế được xử lý như thế nào?

Trả lời:

Tại công văn 1406/TCT-KK ngày 25 tháng 04 năm 2014 của Tổng Cục Thuế về việc phân loại hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước khi hoàn thuế thì:

Căn cứ quy định tại Điều 108 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và Khoản 34 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn Luật;

Căn cứ Khoản 2 Điều 58 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ;

Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên:

– Người nộp thuế có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Điều 108 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và Khoản 34 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì bị xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

– Trong thời hạn 02 (hai) năm, kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế nêu trên, người nộp thuế có hồ sơ đề nghị hoàn thuế thì cơ quan thuế thực hiện phân loại kiểm tra trước khi hoàn thuế theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

Trường hợp người nộp thuế có nhiều lần đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 (hai) năm, kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế, cơ quan thuế căn cứ theo nội dung đã quy định tại Khoản 2 Điều 58 Thông tư số 156/2013/TT-BTC để phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế lần tiếp theo của người nộp thuế.

Câu hỏi 11: Việc đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế đối với doanh nghiệp thành lập từ dự án đầu tư trước ngày 01/01/2014 được quy định như thế nào?

Trả lời:

Tổng Cục Thuế đã có công văn 1388/TCT-CS ngày 24 tháng 04 năm 2014 hướng dẫn:

Về việc chấp thuận đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế đối với doanh nghiệp

Căn cứ quy định tại điểm b Khoản 2, Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì:

– Trường hợp doanh nghiệp thành lập từ dự án đầu tư trước ngày 01/01/2014 đang trong giai đoạn đầu tư, chưa có doanh thu thì doanh nghiệp tiếp tục áp dụng phương pháp khấu trừ trong năm 2014.

– Trường hợp doanh nghiệp thành lập trước ngày 01/01/2013 nhưng nghỉ kinh doanh năm 2013 đến năm 2014 mới hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại thì Cục thuế hướng dẫn doanh nghiệp xác định phương pháp tính thuế GTGT như doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2014.

– Trường hợp doanh nghiệp thành lập từ dự án đầu tư trước ngày 01/01/2013 nhưng nghỉ kinh doanh đến năm 2013 có hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và có doanh thu trong năm 2013 thì thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn.

– Doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 01/01/2014 nếu có hồ sơ chứng minh doanh nghiệp có tài sản (theo hóa đơn mua tài sản, biên bản góp vốn, biên bản chuyển giao tài sản…) từ 1 tỷ đồng trở lên và đảm bảo thủ tục ghi nhận tài sản cố định của doanh nghiệp thì được chấp thuận đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.

– Doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 01/01/2014 có thực hiện đầu tư theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc diện đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.