Nới biên độ tỷ giá: Xuất khẩu “thở phào”, nhập khẩu “méo...

Nới biên độ tỷ giá: Xuất khẩu “thở phào”, nhập khẩu “méo mặt”

1160
0
SHARE

Nếu như với lần nới biên độ +/-1% tỷ giá ngày 12.8 vừa qua được các doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá là còn dè dặt, chưa tạo được thuận lợi cho họ thì với lần điều chỉnh “kép” ngày 198 (tăng tỷ giá 1%, nới biên độ thêm 1%), các doanh nghiệp xuất khẩu đã tạm hài lòng.

Loay hoay đối phó với tỷ giá

Ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng: Việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ tạo ưu thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi có lợi thế tương đối về giá. Nhưng lại tác động  ngược chiều tới các doanh nghiệp nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng lên khiến khối lượng nhập khẩu có thể phải giảm xuống. Các doanh nghiệp nhập khẩu khó tránh được bị tác động bởi giá nhập khẩu hàng hóa nguyên phụ liệu cho sản xuất của doanh nghiệp tăng thêm 1%.

Tỷ giá tăng 1%, các doanh nghiệp xuất khẩu được lợi trong khi doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó. Ảnh: IT

Bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết:  Đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay, chủ yếu sản xuất gia công để phục vụ xuất khẩu nên việc tăng tỷ giá sẽ có lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất khẩu. Hàng dệt may sau khi gia công xong, doanh nghiệp lại xuất khẩu và thu được ngoại tệ sau đó đổi lại thành tiền Việt Nam. Doanh nghiệp dệt may sẽ không bị ảnh hưởng khi NHNN tăng tỷ giá.

“Có chăng, việc tăng tỷ giá chỉ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên vật liệu cho ngành may như nhập bông để sản xuất sơ sợi vải; nhập hóa chất để nhuộm màu…”- bà  Dung cho biết.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng đánh giá việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN là rất kịp thời và hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Các chuyên gia khẳng định: Việc nới thêm biên độ tỷ giá sẽ có tác động trực tiếp giúp mặt hàng nông sản của chúng ta như gạo, thủy sản… có giá xuất khẩu rẻ hơn, tăng tính cạnh tranh hơn.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse chia sẻ, do phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu cho sản xuất nên doanh nghiệp thiệt nhiều hơn lợi. Giá bán hàng hóa cũng sẽ phải tăng theo và điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo tính toán, doanh nghiệp này có thể bị giảm khoảng 0,5% lợi nhuận từ chính sách tỷ giá.

Thận trọng trong cơn biến động tỷ giá

Ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng: Việt Nam với vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới sẽ còn tiếp tục nhập khẩu máy móc và nguyên vật liệu từ Trung Quốc để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Chính vì vậy khó để phân định rõ cái lợi và cái thiệt của doanh nghiệp.

“Về xuất khẩu, chúng ta sẽ có lợi thế tương đối về giá nhưng các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cạnh tranh với Trung Quốc, từ mặt hàng cho tới thị trường xuất khẩu”- ông Hải  cho biết.

Chính vì vậy, ông Phạm Hồng Hải cũng cảnh báo: “Lợi thế từ việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không kéo dài lâu. Về dài hạn, chúng ta vẫn phải đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng Việt Nam”.

Theo ông Trần Đức Tụng (Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam), việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ như một cú hích, kích thích các doanh nghiệp tăng sản lượng xuất khẩu để tranh thủ độ chênh lệch cao về tỷ giá. Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo, các doanh nghiệp  không nên vì thế mà xuất khẩu ồ ạt, ký hàng loạt hợp đồng trong khi hàng không có trong kho. Hơn nữa, giá thành của nhiều loại mặt hàng còn lệ thuộc vào sự tăng giảm theo mùa vụ, nếu tỷ giá tăng nhưng giá nông sản giảm thì doanh nghiệp cũng không có lợi.

Đại  diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc tận dụng thời cơ của việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng như hiện nay, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thị trường, sự lên xuống của giá thành sản phẩm để có phương án kinh doanh hợp lý.